Đề thi thử Ngữ văn THPTQG (Đề số 5)
8.482 lượt xem 794 lượt tải

Phần I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4

Phía trên thùng đồ nghề của anh có tấm bảng ghi chữ “Ghét ẩu”. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng hỏi lại thì hóa ra đó là tên thương hiệu đánh giày vỉa hè của anh. Chàng trai đó là Nguyễn Hồng Vương (31 tuổi, quê ở Phú Yên). Mặc dù từng làm rất nhiều nghề và hiện tại là một chuyên viên môi giới bất động sản, nhưng đã gần 10 năm nay anh vẫn đều đặn từng ngày đạp xe lộc cộc, trong giỏ là thùng đồ đánh giày đi rảo khắp các con đường ở trung tâm thành phố đánh giày cho khách. Dáng hình anh thong dong trên chiếc xe đạp cùng bộ trang phục đó khiến mọi người không khỏi liên tưởng đến hình ảnh những người đánh giày ngày xưa ở Sài Gòn. Thấy lạ, nhiều người hỏi anh có nghề nghiệp ổn định mà sao còn ra đường đánh giày chi cho cực nhọc, anh chỉ cười bảo rằng: “Sáng tôi dậy sớm đi đánh giày coi như tập thể dục, đến 9 giờ thì tôi về đi làm bình thường, có mệt gì đâu”. Anh xem công việc này không phải để kiếm tiền mưu sinh mà là để thỏa đam mê của mình: đam mê làm đẹp cho những đôi giày. Có ngày anh đánh được vài ba chục ngàn, có ngày chẳng được đồng nào, không mang vẻ ủ rũ đó lâu, anh lại hồ hởi đạp xe về nhà thay quần áo và bắt đầu công việc chính của mình. Khác với những người lao động nghèo khó, nỗi lo nhọc nhằn mưu sinh không phải là điều đè nặng lên cuộc sống của anh, nhưng thử hỏi có mấy ai một khi đã có đủ đầy vật chất vẫn còn đủ tâm và tình để tiếp tục công việc “tay chân lấm bẩn” ấy. Chính công việc đánh giày đã giúp anh vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, khi anh tay trắng sau quá nhiều vấp váp ở nơi đất khách quê người. Có lẽ anh mang ơn cái nghề này để rồi can đảm bỏ lại phía sau bao lời dè bỉu, chê bai, ngăn cản của gia đình và tiếp tục công việc yêu thích của mình. Khi có một vị khách đến hỏi anh có dán đế giày không, anh hào hứng trả lời rằng: “Chuyên gia về giày, không gì là không có”. Có ai nghĩ rằng đánh giày cũng cần phải tạo thương hiệu nhưng riêng với Hồng Vương, anh không chỉ đánh giày mà còn là chăm chút và nâng niu chúng như một cách thể hiện sự trân trọng của anh dành cho người khách của mình. “Đối với ai chứ đối với tôi, hối là tôi không đánh đâu. Không phải là mình chảnh nhưng đã nhận tiền của khách thì phải đánh làm sao chất lượng chứ không chỉ quệt quệt mấy đường rồi xong”, Vương tâm sự.

(Phương Linh)

1) Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn văn bản trên.

2) Theo anh (chị), những lí do nào khiến anh Nguyễn Hồng Vương mặc dù đã có công việc ổn định vẫn gắn bó với nghề đánh giày của mình?

3) Tác giả đã thể hiện thái độ, tình cảm gì đối với cách sống và cách làm việc của nhân vật được nêu trong văn bản?

4) Anh (chị) hãy viết một đoạn văn khoảng 5 -7 câu trình bày những suy nghĩ về thương hiệu đánh giày “Ghét ẩu” của Nguyễn Hồng Vương.

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 8:

Ở chỗ hẻm cà phê tôi thường ngồi mỗi sớm có một cây xoài to che bóng mát. Đang mùa xoài chín nên có một chú sóc bất chợt ghé thăm. Chú sóc trông rất gầy, có cái đuôi te tua, thường ôm gặm mấy trái xoài chín rục và thường làm rơi trái xoài rớt bịch xuống đất. Có khi trái xoài chín rục rơi trúng khách cà phê. Những lúc như thế “nạn nhân” thường ngẩng đầu nhìn lên tìm con sóc, rồi chỉ biết lắc đầu tủm tỉm cười. Tôi chưa thấy một khách cà phê nào chửi la hay ném đá con sóc “cà chớn” đó cả. Mặc dù có người bị dính dơ hết áo phải lấy xe về nhà thay áo khác. Thi thoảng con sóc tái diễn cái trò làm rơi xoài chín vào khách. Và những tràng cười lại có dịp rộ lên. Những lúc như thế tôi thường tự hỏi tại sao người ta lại không cười xòa cho qua mỗi khi lỡ va chạm nhau ngoài phố? Những căng thẳng chực chờ bùng nổ nhiều khi chỉ vì một lời nói vô tình. Nhiều bi kịch xảy ra nhiều khi chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt. Con người tinh khôn và con người rồ dại. Phải chăng càng ngày con người nhìn vào nhau không phải bằng ánh mắt ấm áp hay trong veo (như con sóc)? Con người không còn biết sống nhường nhịn? Thì ở đây, con sóc như hình ảnh của một sứ giả thân thiện, như một mẫu thiên nhiên tốt lành để con người có dịp rọi lại mình, sống lại trạng thái hồn nhiên.

(Những con sóc trong thành phố - Trần Nhã Thụy)

5) Xác định hai phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.

6) Con sóc được tác giả miêu tả như thế nào? Tác dụng của biện pháp tu từ tác giả đã sử dụng khi miêu tả con sóc?

7) Chỉ ra những câu hỏi tu từ trong văn bản trên và cho biết hiệu quả biểu đặt của chúng.

8) Anh (chị) viết đoạn văn ngắn (từ 5 – 7 câu) để cho biết chúng ta nên ứng xử như thế nào trước lỗi lầm của người khác?

Phần II: Làm văn (7 điểm)

Câu 2 (3 điểm): Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến sau của H. Bridges: “ Tôi không có mặt trên đời này chỉ để kiếm sống; tôi hiện diện trên đời để tạo dựng cuộc đời”.

Câu 3 (4 điểm): Cảm nhận đoạn thơ sau:

Những đường Việt Bắc của ta

Ðêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Tin vui chiến thắng trăm miềm

Hoà Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về

Vui từ Ðồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

Việt Bắc - Tố Hữu)

Bình luận ngắn về đặc điểm trữ tình chính trị phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu thể hiện qua bài thơ.