TTO - Đến thời điểm hiện tại, rất nhiều học sinh lớp 12 trên toàn quốc đã bắt đầu đăng ký môn thi, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Một tiết học môn hóa của học sinh lớp 12A3 THPT Nguyễn Thị Diệu, Q.3, TP. HCM - Ảnh: Như Hùng |
Theo khảo sát sơ bộ ở nhiều trường THPT tại Hà Nội, số học sinh có hướng chọn bài thi khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) để dự kỳ thi THPT quốc gia vẫn chiếm tỉ lệ cao.
Tuy nhiên, so với các năm trước, số học sinh chọn bài thi tổ hợp có các môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) đã nhiều hơn trước.
Hà Nội: nhiều học sinh chọn bài thi khoa học xã hội
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho biết trong đợt khảo sát, thăm dò học sinh lần thứ nhất, toàn trường có tới 80% đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội.
“Học sinh trường tôi học ban D nhiều, nên các em đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội, vì phù hợp với năng lực cũng như có lợi thế hơn cho việc đăng ký các tổ hợp xét tuyển” - thầy Lâm giải thích.
Tuy nhiên, thầy Lâm cũng cho biết cuối tháng 3 này trường mới tiến hành khảo sát chính thức để xếp lớp ôn tập. Kết quả có thể sẽ thay đổi so với lần đầu.
Còn tại Trường THPT Phan Huy Chú, theo thầy Hà Xuân Nhâm - hiệu trưởng nhà trường, kết quả khảo sát cho thấy số học sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên là 277/381 em, có 104 học sinh đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội.
Cô Ngô Thị Thành - phó hiệu trưởng Trường Phan Huy Chú, là người trực tiếp xếp lớp, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 - cho biết ngay từ đầu năm học khối 12 đã được chia ban khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, xếp lớp lại theo nguyện vọng đăng ký ban của học sinh.
“Chúng tôi rất mừng vì cách chia ban này lại phù hợp với phương án thi THPT quốc gia năm nay. Tình hình học tập rất thuận lợi cho học sinh, vì các em được định hướng ôn tập theo nguyện vọng từ đầu năm học. Tuy khảo sát nói trên được làm sớm, nhưng tôi nghĩ sẽ không có nhiều điều chỉnh sau này, vì học sinh không lựa chọn nhất thời mà có định hướng từ trước rồi” - cô Thành chia sẻ.
Tại Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, cô Nguyễn Thu Hà - dạy môn giáo dục công dân - cho biết theo đăng ký ở thời điểm này, trường có 150 học sinh đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội.
“Theo kế hoạch của trường, sang tháng tới chúng tôi sẽ xếp lại lớp theo nguyện vọng đăng ký, để hướng dẫn các em ôn tập. Ở trường chúng tôi, các môn lịch sử, giáo dục công dân không phải là môn học sinh sợ mà lại là môn nhiều học sinh yêu thích, do phương pháp dạy học được thay đổi". Tuy nhiên, để ôn tập cho học sinh, chúng tôi sẽ bám sát chương trình cơ bản và định hướng ra đề thi của Bộ GD-ĐT. Luyện cho các em làm nhiều bài kiểm tra trắc nghiệm ngay sau mỗi bài học và trong thời gian ôn tập là hướng mà các tổ bộ môn đang làm” - cô Hà cho biết.
Tại Trường THPT Yên Hòa, theo cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng nhà trường, kết quả khảo sát có 303 học sinh đăng ký bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, 153 học sinh đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội.
Như vậy so với năm trước, số học sinh chọn bài thi liên quan tới các môn lịch sử, địa lý có nhiều hơn.
TP.HCM: ngại môn sử, thí sinh chọn tổ hợp môn khoa học tự nhiên
Đến thời điểm này, các trường THPT trên địa bàn TP.HCM đã cho học sinh lớp 12 đăng ký môn thi để xếp lớp học và ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017. Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số học sinh đều chọn đăng ký thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên.
Tại Trường THPT Bình Chánh, huyện Bình Chánh, số học sinh đăng ký thi môn tổ hợp khoa học xã hội chiếm 40% tổng số học sinh khối 12 của trường, số còn lại chọn thi khoa học tự nhiên.
Tại Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, số học sinh lớp 12 chọn thi khoa học xã hội chỉ có 175 em, trong khi số lượng học sinh chọn khoa học tự nhiên hơn gần gấp ba lần: 437 em.
Theo giải thích của ban giám hiệu Trường Nguyễn Thái Bình, lý do học sinh chọn thi khoa học tự nhiên nhiều hơn vì 3 môn lý, hóa, sinh có liên quan nhiều đến tổ hợp môn thi mà các em sẽ sử dụng để đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Trong khi đó môn sử, địa, giáo dục công dân thì ít liên quan hơn nên ít học sinh chọn. Thậm chí đến thời điểm này, chưa có trường ĐH, CĐ nào thông báo sẽ dùng môn giáo dục công dân để xét tuyển đầu vào.
Tương tự, ở Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Q.Gò Vấp, tính đến thời điểm này mới chỉ có 93 trên tổng số 894 học sinh lớp 12 của trường đăng ký thi môn khoa học xã hội.
Cô Lê Minh Thùy Trang, phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, cho biết: “Đây mới chỉ là số lượng học sinh đăng ký ban đầu để nhà trường xếp lớp học cho phù hợp (học sinh đăng ký thi tổ hợp môn nào sẽ được học tăng tiết theo tổ hợp môn đó)". Thời gian tới, khi nhà trường cho các em đăng ký môn thi chính thức, có thể một số học sinh sẽ thay đổi đăng ký: chuyển từ môn khoa học xã hội sang chọn thi môn khoa học tự nhiên và ngược lại. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh chọn thi khoa học xã hội chắc chắn sẽ thấp hơn khoa học tự nhiên”.
Trao đổi với chúng tôi, H.T.T., học sinh lớp 12 ở huyện Bình Chánh, bày tỏ: “Em chọn thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên vì ngán học bài môn sử. Nó dài lê thê và khó nhớ. Đã vậy, năm nay là năm đầu tiên thi trắc nghiệm 3 môn sử, địa, giáo dục công dân, chưa biết Bộ GD-ĐT sẽ ra đề thi như thế nào, nên em bỡ ngỡ và lo lắng lắm.Thôi cứ chọn tổ hợp khoa học tự nhiên cho chắc, vì chúng em đã được tập dượt làm bài kiểm tra theo dạng trắc nghiệm từ năm lớp 10 với cả 3 môn lý, hóa, sinh rồi”.
Cô Nguyễn Trần Hương Giang, tổ trưởng tổ giáo dục công dân Trường THPT Nguyễn Công Trứ, cho biết: “Trường chúng tôi đã khởi động dạy tăng thêm 1 tiết/tuần môn giáo dục công dân cho các học sinh chọn tổ hợp môn thi khoa học xã hội.
Nhìn chung, các em không quá lo lắng về kiến thức môn giáo dục công dân mặc dù nó hơi khô khan. Điều các em quan tâm nhất chính là kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm môn giáo dục công dân, vì các em đã quen với cách làm bài thi tự luận từ lâu nay.
Do đó, giáo viên phải đầu tư biên soạn câu hỏi trắc nghiệm, đồng thời tham khảo, tìm tòi nhiều dạng câu hỏi khác nhau cho học sinh làm để rút kinh nghiệm”.
Lo lắng ôn nhiều môn Nguyễn Kim Chi, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết: “Riêng với môn lịch sử, thi trắc nghiệm lại khiến chúng em đỡ lo hơn. Chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản nhất, các mốc thời gian, sự kiện là xong. Nhưng môn giáo dục công dân là môn lần đầu tiên thi, chúng em không có dữ liệu đề thi các năm trước để tham khảo nên cũng hơi lo lắng”. Một học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết: “Ban đầu em định đăng ký thi bài khoa học xã hội, vì nghĩ giáo dục công dân sẽ chỉ hỏi các câu liên hệ đời sống. Nhưng khi làm bài thi thử nghiệm của Bộ GD-ĐT thì mới biết có nhiều câu hỏi kiến thức về luật pháp. Vì thế bắt buộc phải học chính xác. Nên em chọn khoa học tự nhiên”. Tuy vậy, em Nguyễn Văn Hùng - Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội - cho biết: “Do được ôn tập ngay sau khi học bài mới theo các chuyên đề nên chúng em nắm chắc bài giáo dục công dân. Môn này đúng là mới thi, nhưng theo em không đáng ngại”. Trao đổi về quy chế và phương án thi năm nay, đa số học sinh Hà Nội chỉ lo ngại phải ôn tập cùng lúc nhiều môn học quá nên hơi bị quá tải. Vũ Việt Dũng, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú, cho biết: “Trường phân lớp theo ban từ đầu năm, nhưng em vẫn lo. Em đăng ký bài thi khoa học tự nhiên vì định xét tuyển vào các trường khối A, A1, nhưng vẫn phải làm bài thi văn. Mà theo bài thi thử nghiệm Bộ GD-ĐT công bố, với thời gian làm bài 120 phút, đề thi văn quá dài và khó. Ngoài các bạn học chuyên môn văn, sẽ ít học sinh làm hết và làm tốt được đề văn như vậy trong thời gian này”. |