HÀ NỘI KHÔNG BỎ MÔN THI THỨ 4, GIỮ ỔN ĐỊNH ÔN THI VÀO 10

Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tới đây được giữ ổn định với 4 bài thi.

Những ngày qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội. Học sinh các khối lớp phải tạm dừng việc học, các trường chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến, nhiều phụ huynh lo lắng điều này sẽ ảnh đến kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay.

Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, công tác chuẩn bị tổ chức cho kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập diễn ra vào ngày 10 và 11/6 vẫn được giữ nguyên. 

Học sinh tham gia xét tuyển vào lớp 10 ở các trường THPT công lập sẽ thực hiện 4 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4 là môn Lịch sử. Dù dịch bệnh phức tạp, việc ôn tập của học sinh phần nào đó chịu ảnh hưởng nhưng môn thi thứ tư- Lịch sử vẫn được giữ nguyên không đổi.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, những ngày tới, nếu tình hình dịch diễn biến xấu hơn, khó kiểm soát thì Sở GD&ĐT sẽ xin ý kiến UBND thành phố về phương án điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế. Nguyên tắc là đảm bảo sự công bằng, chất lượng và thuận tiện cho các thí sinh.

Hà Nội không bỏ môn thi thứ 4, giữ ổn định thi vào lớp 10  - 1

Học sinh tham gia thi vào lớp 10. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Năm 2021, thí sinh thi vào vào lớp 10 THPT công lập Hà Nội bằng bốn môn gồm: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và Lịch sử. Với bài thi ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thay thế bằng một trong các thứ tiếng như: tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn.

Các bài thi môn Toán và Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/ bài thi. Bài thi môn Ngoại ngữ và bài thi môn thứ tư sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút. Thí sinh sẽ làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm.

Điểm xét tuyển = (Điểm bài thi môn Toán + Điểm bài thi môn Ngữ văn) x 2 + (Điểm bài thi môn Ngoại ngữ + Điểm bài thi môn thứ tư) + Điểm ưu tiên.

Năm nay Hà Nội chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Học sinh xác định khu vực tuyển sinh dựa vào hộ khẩu thường trú của học sinh (hoặc của bố, mẹ học sinh).

Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, 2 và 3. Trong đó, nguyện vọng 1, 2 thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.

Trường hợp học sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng thì có thể thuộc bất kỳ khu vực tuyển sinh nào (học sinh sẽ trúng tuyển nếu có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn trúng tuyển của trường). Trường hợp học sinh đăng ký 2 nguyện vọng thì nguyện vọng thứ nhất thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; còn nguyện vọng thứ hai thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ (học sinh sẽ trúng tuyển nguyện vọng thứ hai nếu không trúng tuyển nguyện vọng thứ nhất và có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 1,0 điểm so với điểm chuẩn trúng tuyển của trường).

* Nguồn: VTC.VN

Tin tức khác
Xem nhiều nhất