Đề thi thử Ngữ văn THPTQG (Đề số 4)
7.265 lượt xem 862 lượt tải

Phần I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4

Akshita chia sẻ với độc giả TST là cách đây hai năm cô đã đọc được một nghiên cứu của các nhà tâm lý học chứng minh rằng tiểu thuyết có thể giúp người đọc nâng cao khả năng đồng cảm và thấu hiểu cảm xúc của người khác. Một nghiên cứu của trường Đại học Emory ở tiểu bang Atlanta (Hoa Kỳ) hồi năm ngoái cũng cho thấy sinh viên nào đọc xong tiểu thuyết 300 trang Pompeii của nhà văn Robert Harris cũng đều có sự thay đổi đáng kể trong não bộ và tăng cường trí lực cùng khả năng học thêm ngôn ngữ mới. Như vậy, câu hỏi đặt ra là nếu đọc sách có thể giúp phát triển sức khỏe trí tuệ và kỹ năng xã hội thì tại sao đó không phải là thói quen thường nhật. Nó cũng giống như khuyến cáo của bác sĩ là chúng ta nên tập thể dục hàng tuần 150 phút để phòng chống những chứng bệnh về tim mạch hay tiểu đường. Nhưng thói quen không phải tự nhiên mà có, cần phải có nỗ lực và rèn luyện. Theo Akshita, bất cứ ai muốn trở thành con mọt sách chỉ cần tuân theo bốn quy tắc đơn giản kết hợp từ bốn chữ cái READ trong tiếng Anh: thường xuyên đọc (Regularly), thích thú trong việc đọc (Enjoy), đánh giá (Assess) và thảo luận (Discuss) sự tiến bộ của mình. Cũng theo nghiên cứu nói trên của Đại học Emory, chỉ cần mỗi ngày dành 15 phút đọc sách là con người cũng có thể làm thay đổi mô thức não bộ của mình. Chỉ cần ít nhất 15 phút thôi, liệu bạn có thể duy trì thói quen đó không? (Lê Hữu Huy)

1) Xác định phương thức biểu đạt chủ yếu được sử dụng trong đoạn văn bản trên.

2) Xác định hai thao tác lập luận được sử dụng trong văn bản trên.

3) Văn bản trên chỉ ra những lợi ích nào của việc đọc sách?

4) Anh(chị) hãy viết một đoạn văn khoảng 5 – 7 câu trình bày ý kiến về mục đích đọc sách của bản thân.

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 8

Sinh nhật em chẳng biết tặng gì
Tặng đôi dép nhỏ để em đi
Tặng cây viết nhỏ cho em viết
Hay tặng vầng trăng đã dậy thì
Hay tặng em một buổi dạo chơi
Cỏ xanh dưới đất, mây trên trời
Anh mười lăm tuổi, em mười bốn
Quên mất rằng ta đã lớn rồi

Hay tặng em một sớm mai hồng
Cụm mây vàng chở nắng đi rong
Mênh mông trời đất không bờ bến
Kiếm chỗ nào cho mưa xuống thăm

Hay tặng em một chuyện tình dài
Đọc hoài mà chưa tới chương hai
Yêu hoài mà vẫn chưa tan vỡ

Xa cách hoài mà chẳng nhạt phai?
(Sinh nhật – Nguyễn Nhật Ánh)

5) Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ trên.

6) Phân tích hiệu quả biểu đạt của những câu hỏi tu từ được sử dụng trong văn bản trên.

7) Những món quà sinh nhật mà nhân vật trữ tình định tặng cho “em” có gì đặc biệt, độc đáo?

8) Anh (chị) viết đoạn văn ngắn (từ 5 – 7 câu) so sánh hai khổ thơ sau:

Hay tặng em một sớm mai hồng
Cụm mây vàng chở nắng đi rong
Mênh mông trời đất không bờ bến
Kiếm chỗ nào cho mưa xuống thăm
(Sinh nhật – Nguyễn Nhật Ánh)

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
(Sóng – Xuân Quỳnh)

Phần II: LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 2. (3 điểm) Khổng tử nói: “Hãy chọn công việc mà bạn thích, và bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong suốt cuộc đời mình”. Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên?

Câu 3. (4 điểm) Cảm nhận đoạn thơ sau:

Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương

Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
(Sóng – Xuân Quỳnh)

Bình luận ngắn về cách thể hiện tình yêu của tác giả trong bài thơ.