Đề thi thử Ngữ văn THPTQG (Đề số 2)
15.204 lượt xem 969 lượt tải

Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)

Câu 1: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:

Có một người vào thi để xin việc làm trong một công ty nọ, khi đi dọc hành lang đến phòng thi, anh thấy có mấy tờ giấy vụn dưới đất, liền cúi xuống nhặt lấy và bỏ vào thùng rác. Người phụ trách thi vấn đáp vô tình trông thấy từ xa, đã quyết định nhận anh ta vào làm việc cho công ty. Hóa ra để được trọng dụng thật là đơn giản, chỉ cần tập những thói quen tốt.

Có một cậu bé vào tập việc trong một tiệm sửa xe đạp, có người khách đem đến một chiếc xe đạp hư, cậu bé không những sửa lại cho thật tốt, mà còn lau chùi cho chiếc xe sạch đẹp. Những người đang học việc khác cười nhạo cậu bé đã dại dột, đã chẳng được thêm chút tiền công nào lại còn tốn sức. Hai ngày sau, người khách trở lại, thấy chiếc xe đạp vừa tốt vừa đẹp như mới mua, cậu bé liền được người khách nhận đưa về hãng của ông ta để làm việc với mức lương cao. Hóa ra để thành đạt trong đời thật đơn giản, chỉ cần cố gắng chịu thiệt thòi một chút...

Có một em bé nói với mẹ: "Mẹ ơi, hôm nay mẹ rất đẹp!" Bà mẹ hỏi: "Ơ, sao con lại khen mẹ như thế ?" Em bé trả lời: "Bởi vì hôm nay mẹ... không nổi giận như mọi ngày!" Hóa ra muốn có một vẻ đẹp khả ái cũng thật đơn giản, chỉ cần không nổi giận là được. Có một huấn luyện viên quần vợt nói với học sinh: "Nếu quả bóng rơi vào trong đám cỏ, thì làm thế nào để tìm nó ? Một người nói: "Bắt đầu từ trung tâm đám cỏ mà tìm." Một người khác nói: "Bắt đầu từ nơi chỗ đất trũng nhất mà tìm." Lại một người khác nói: "Bắt đầu từ trong đám cỏ cao nhất mà tìm." Huấn luyện viên tuyên bố đáp án chính xác nhất: "Làm từng bước một, từ đám cỏ này đến đám cỏ kia." Hóa ra phương pháp để tìm thành công thật đơn giản, cứ tuần tự, từ số 1 đến
số 10 không nhảy vọt là có thể được.

(Dẫn theo Cửa sổ tâm hồn việt)

1, Xác định hai phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn trên.

2, Xác định hai thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn văn trên.

3, Thông điệp mà đoạn văn bản trên gửi đến người đọc là gì?

4, Hãy viết một đoạn văn khoảng 5 – 7 câu trình bày những suy nghĩ của bản thân về một trong những vấn đề văn bản đã nêu.

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi từ 5 đến 8:

Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh

Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây

Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh

Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây

Anh yêu em như anh yêu đất nước

Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần

Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước

Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn

Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt

Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời

Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực

Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người

(Nhớ - Nguyễn Đình Thi)

5, Xác định phương thức biểu đạt chủ yếu được sử dụng trong văn bản trên.

6, Tác giả thể hiện tình cảm, thái độ gì trong văn bản trên?

7, Chỉ ra và phân tích hiệu quả biểu đạt của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ nhất của văn bản.

8, Viết một đoạn văn khoảng 5 – 7 câu so sánh những câu thơ sau:

Anh yêu em như anh yêu đất nước

Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần

(Nhớ - Nguyễn Đình Thi)

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)

Phần II: Làm văn (7 điểm)

Câu 2 (3 điểm):

Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến sau trong sách Luận ngữ: “Biết mà học không bằng thích mà học, thích mà học không bằng say mê mà học”

Câu 3 (4 điểm): Cảm nhận đoạn thơ sau:

Khi ta lớn Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa.." mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó..

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

(Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm)

Bình luận ngắn gọn về việc sử dụng chất liệu văn học dân gian trong bào thơ của tác giả.