Dàn ý chi tiết chinh phục đề thi Vợ Chồng A Phủ
50.990 lượt xem 2.396 lượt tải
  1. Giá trị nhân đạo của tác phẩm?

*Thể hiện qua đề tài và chủ đề 

- Nhan đề thiên truyện đã bộc lộ vấn đề cốt lõi, tư tưởng chủ đạo của tác phẩm. Truyện viết về cuộc đời của đôi vợ chồng người H’mông Tây Bắc trước và sau Cách mạng tháng Tám.

- Truyện nhằm làm nổi bật số phận khốn khổ, tủi nhục của những người dân miền núi dưới ách thống trị của bọn phong kiến và thực dân Pháp xâm lược; đồng thời ca ngợi sự đổi đời của họ nhờ sự giác ngộ Cách mạng.

*Thể hiện ở sự đồng cảm của nhà văn với số phận người dân miền núi dưới chế độ cũ

- Đồng cảm với nỗi khổ của người phụ nữ vùng cao qua nhân vật 

Mị: Mị là cô gái H’mông xinh đẹp, tâm hồn nhạy cảm, hồn nhiên và yêu đời, chỉ vì bố mẹ nghèo phải mang công mắc nợ Pá tra mà Mị phải về làm dâu trừ nợ cho nhà thống lí ấy. Từ khi về làm dâu trừ nợ, Mị phải sống trong địa ngục trần gian.

“Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, Mị trở thành một nô lệ, lầm lũi và cam chịu, héo tàn nhan sắc. Thậm chí, có lúc Mị cảm thấy mình còn thua cả con vật “Ngựa vẫn đứng gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”. Đời Mị là một chuỗi ngày tối tăm. Với niềm thương cảm vô bờ bến, nhà văn đã miêu tả căn buồng của cô “kín mít, có một chiếc cửa sổ, một lỗ vuông bằng bàn tay…Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong

cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến khi nào chết thì thôi”. Căn buồng trong cái nhìn nhân đạo của nhà văn thực chất là một ngục thất tinh thần giam hãm tuổi xuân, huỷ diệt sự sống, sức sống và hạnh phúc đời

người con gái tài hoa, xinh đẹp và nết na. Mị sống mà như đã chết bởi cô không còn ý niệm thời gian. Mị không còn ý thức về ý nghĩa và giá trị con người. Mị đã bị huỷ hoại cuộc sống tinh thần. Mị đã bị trình ma

nhà thống lí. Nhà văn đã lên án cái ma lực vô hình mà khốc hại đến đời sống con người: Sức mạnh siêu hình ấy mãi giam hãm, đóng đinh

Mị vào thân phận bi kịch.

Mị bị hút hết sinh lực bằng một chuỗi dài lao động. Cuộc sống của cô chỉ có thể đo đếm bằng công việc “cả đêm, cả ngày” Số phận bi thảm của Mị là một điển hình thân phận của bao người phụ nữ Tây Bắc trước Cách mạng tháng Tám. 

- Sẻ chia nỗi đau của con người ở vùng núi Tây Bắc qua nhân vật Aphủ: Số phận nô lệ, tủi nhục của người dân miền núi được nhà văn bổ sung và hoàn chỉnh bằng chính cuộc đời khốn khổ của nhân vật Aphủ.

Aphủ vốn là một thanh niên sức vóc “chạy nhanh như ngựa, con gái trong làng nhiều người mê”. Vì đánh con quan, bị phạt vạ, trở thành kẻ ở đợ trừ nợ cho nhà thống lí. Aphủ để mất một con bò mà bị trói đứng vào cột chờ chết.

*Thể hiện qua sự vạch trần bản chất bạo ngược của bọn phong kiến miền núi

- Mị bị trói đứng trong đêm tình mùa xuân:

Nhà văn đã dựng lại một màn kịch bi thương, một màn kịch câm nhưng có sức mạnh tố cáo sâu sắc cha con thống lí. Đêm tình mùa xuân, Mị muốn đi chơi, Asử đã giết chết mầm ước ao của Mị “lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xoã xuống. Asử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa”

Sự lạnh lùng bạo ác của Asử đối với Mị không phải là một trường hợp cá biệt, “trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này”

-Cảnh xử kiện Aphủ:

Nhà văn đã lột tả “công lí” xã hội phong kiến miền núi qua cảnh xử kiện Aphủ. Cảnh xử kiện lạ lùng…được nhà văn miêu tả, khiến ta như nghe cả tiếng lòng thổn thức, sự sôi giận của Tô Hoài trước tội ác của bọn chúa đất vùng cao thời phong kiến.

*Phát hiện và trân trọng những nét đẹp tâm hồn của những người nghèo miền núi cao

- Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Mị:

Nhà văn không chỉ thông cảm và thấu hiểu mà còn tin vào con người trong “vợ chồng Aphủ”. Trong đêm tình mùa xuân, tuy bị hành hạ nhưng tâm hồn Mị vẫn

bay theo tiếng sáo tự do, và thực sự tự do trong tâm hồn “Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”, vẫn bay bổng theo “tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lơ lửng bay ngoài đường”

-Vẻ đẹp của nhân vật Aphủ:

Tính cách và phẩm chất tốt đẹp của Aphủ: Trung thực, ngay thẳng, cần cù…mà bọn thống trị không bao giờ có được. Dù chỉ là tự phát, chỉ là bắt đầu từ lòng khát khao được sống, nhưng chính phẩm chất tâm hồn và tính cách mạnh mẽ ấy đã giúp Aphủ đủ sức sống, nghị lực để trỗi dậy, phá bỏ gông cùm, đi tìm tự do.

*Thể hiện qua sự giác ngộ Cách mạng của vợ chồng Aphủ

- Tô Hoài vừa phản ánh hiện thực vừa thể hiện ước mơ đổi đời của đồng bào miền núi Tây Bắc, khi ánh sáng Cách mạng bắt đầu soi thấu vào cuộc đời tăm tối của họ.

- Nhà văn đã tái hiện hành trình đổi đời của vợ chồng Aphủ. Họ đã từ

tự phát đến tự giác đứng lên bảo vệ mình, giải phóng quê hương.

- Mị và Aphủ từ nô lệ vươn lên làm người tự do. Nhà văn không chỉ phản ánh hiện thực, lí giải hiện thực mà còn góp phần cải tạo hiện thực, chỉ ra con đường giải phóng cho nhân loại cần lao.

 

2. ĐỀ 1

Ngày tết, Mị muốn đi chơi xuân nhưng bị A sử trói đứng vào cột nhà. Tô Hoài viết tiếp: “Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi…Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉnghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”.

(Vợ chồng Aphủ - văn học 12, tập một)

Phân tích đoạn văn trên, nêu rõ cảm nhận của anh, chị về nhân vật Mị (số phận, sức sống) và về ngòi bút miêu tả tinh tế, sâu sắc của Tô Hoài trong Vợ chồng Aphủ.

 

  1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về Tô Hoài.

Nếu đoạn đời sống ở Hồng Ngài của Mị là sự giao tranh quyết liệt giữa số phận bi thảm và sức sống tiềm tàng thì cảnh Mị bị Asử trói

đứng vào cột nhà trong bóng tối có thể xem như là hình ảnh thu nhỏ cô đúc và thấm thía của cuộc giao tranh đó. Cuộc giao tranh diễn ra trong tâm trạng chập chờn nửa mê, nửa tỉnh của cô gái, và tác giả như đã nhập vào nhân vật để viết nên một đoạn văn tinh tế, sâu sắc: “Trong bóng tối… không bằng con ngựa”.

  1. Thân bài

- Giữa đoạn văn là một câu văn ngắn “Mị vùng bước đi”. Trên là âm thanh tiếng sáo, dưới là tiếng chân ngựa, hai thế giới, hai tâm trạng: thế giới của ước mơ với tiếng sáo rập rờn và thế giới của hiện thực với tiếng chân ngựa đạp vào vách.

- Tâm trạng của một cô Mị đang miên man chập chờn theo tiếng sáo gọi bạn tình và tâm trạng một cô Mị đã tỉnh đang “thổn thức nghĩ mình

không bằng con ngựa”. 

- Tiếng sáo – ước mơ – sức sống của Mị

+ “Mị vùng bước đi” như một kẻ mộng du, như không biết mình đang bị trói. Làm sao Mị có thể vùng bước đi khi đã bị trói bằng cả một thúng sợi đay. Nhưng Mị đang sống với ước mơ, bằng ước mơ. Mị đang sống với tiếng sáo của những đêm tình mùa xuân ngày trước, đang muốn tìm lại tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc của mình.

+ Tiếng sáo đã gọi Mị vùng bước đi, về với cuộc sống thật của mình đã bị cướp đi trong địa ngục trần gian này. Sức sống của cô tiềm tàng, mãnh liệt. Sức sống ấy khiến cô quên đi tất cả hiện thực xung quanh, không thấy, không nghe Asử nói, không biết cả mình đang bị trói, chỉ còn sống với tiếng sáo, mê man, chập chờn trong tiếng sáo.

+ Tiếng sáo đã thành một biểu trưng sâu sắc và gợi cảm cho ước mơ, sức sống của Mị.

- Tiếng chân ngựa: hiện thực – số phận của Mị

+ “Mị vùng bước đi” nhưng tay chân đau không cựa được. Tiếng sáo tắt ngay, ước mơ tan biến và hiện thực phũ phàng hiện ra: chỉ còn

nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách.

+ Mị đã tỉnh hẳn khi dây trói thít lại, đau nhức và nhận ra số phận của mình không bằng con ngựa.

+ Tiếng chân ngựa mới thực sự xoáy sâu vào nỗi đau tinh thần của Mị, thân phận con người không bằng thân trâu ngựa.

+ Tiếng chân ngựa trở thành biểu trưng cho hiện thực và số phận của Mị.

- Ngòi bút miêu tả tinh tế, sâu sắc của Tô Hoài

+ Tinh tế trong miêu tả tâm trạng nhân vật ở hai cảnh đối lập nhau. Hai tâm trạng nối tiếp nhau trong sự phát triển biện chứng để hoàn chỉnh chân dung và số phận nhân vật.

+ Sâu sắc trong những chi tiết giàu ý nghĩa, đặc biệt là hai biểu trưng “tiếng sáo” và “tiếng chân ngựa” đối lập nhau, đầy ấn tượng.

  1. Kết bài

- Đoạn văn ngắn mà làm nổi bật bức tranh tối – sáng của nhân vật một cách sinh động, gợi cảm, có chiều sâu, khiến ta càng hiểu thêm nhân vật.

- Bút pháp, cùng tấm lòng đồng cảm, yêu thương của nhà văn đối với nhân vật của mình. 

- Đó là một trong những đoạn văn hay nhất, in đậm phong cách Tô Hoài trong truyện ngắn này.

 

 

3. ĐỀ 2Phân tích diễn biến tâm trạng Mị (Vợ chồng Aphủ - Tô Hoài) trong đêm cởi trói cho Aphủ.

  1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác giả.

Vợ chồng Aphủ là truyện ngắn xuất sắc của Tô Hoài thể hiện sự trỗi dậy giành lấy sự sống của những con người bị áp bức, bóc lột ở vùng dân tộc H’mông – Tây Bắc nước ta, trong thời kì kháng Pháp.

Mị là nhân vật đại diện cho sự trỗi dậy đó. Diễn biến trong tâm trạng của Mị trong đêm cởi trói cho Aphủ đã được Tô Hoài thể hiện rất đặc sắc.

  1. Thân bài

- Giới thiệu sơ lược về Aphủ.

- Tâm trạng của Mị trước đêm cởi trói cho Aphủ

+ Cuộc sống đày đoạ trong nhà thống lí của Mị vẫn tiếp diễn. Những gì diễn ra xung quanh không khiến cô quan tâm. Tâm hồn Mị như tê dại trước mọi chuyện, kể cả lúc ra sưởi lửa, bị Asử đánh ngã xuống bếp. 

+ Mị vẫn thản nhiên sưởi lửa. Chỉ còn biết làm bạn với bếp lửa vào những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn.

- Thương người cùng cảnh ngộ:

Nhờ ngọn lửa kia, đêm ấy, Mị đã nhìn thấy dòng nước mắt của Aphủ bò xuống má đã xám đen lại. Khiến Mị chợt nhớ lại, Mị cũng bị trói đứng, cũng khóc…rồi Mị phảng phất nghĩ gần nghĩ xa: Người kia…phải chết. Nó đã bắt ta về trình ma rồi thì còn biết đợi ngay rũ xương ở đây…Người kia việc gì phải chết?

- Tình thương lớn hơn cái chết:

Mị xót xa cho Aphủ như xót xa cho chính bản thân mình. Mị thương cho Aphủ không đáng phải chết. Cô cũng sợ nếu mình cởi trói cho chàng trai ấy, bố con Pá tra biết được, mình sẽ bị trói thay vào đấy và lại phải chết trên cái cọc ấy… Song có lẽ tình thương của Mị lớn hơn cả sự chết. Tình thương ấy khiến cô đi đến hành động cởi trói cho Aphủ.

- Từ cứu người đến cứu mình:

Khi cởi trói cho Aphủ xong, Mị quyết định rất nhanh, vụt chạy, trời tối, Mị vẫn băng đi vì ở đây thì chết mất.

Đây không phải là hành động mang tính bản năng. Đúng hơn, cùng với sự trỗi dậy của kí ức, khát vọng sống tự do, đã khiến Mị chạy theo người mà mình vừa cứu. Mị giải thoát cho Aphủ và giải thoát cho cả bản thân mình.Hành động táo bạo, bất ngờ ấy là kết quả tất yếu của sức sống tiềm tàng khi người con gái dám chống lại cả cường quyền và thần quyền.

  1. Kết bài

- Qua tâm trạng của Mị trong đêm cởi trói cho Aphủ, cho chúng ta thấy được sức sống tiềm tàng ở người phụ nữ bị đày đoạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Phải yêu thương và có một niềm tin mãnh liệt vào con người, nhà văn mới có được cái nhìn nhân đạo như vậy.

- Tô Hoài đã miêu tả tâm trạng của Mị rất tự nhiên, hợp lí và chân thực. Hành động cuối cùng của Mị - cởi trói cho Aphủ - có vẻ bất ngờ

nhưng lại hợp với quy luật tâm lí con người, quy luật của cuộc sống.

- Nhà văn không chỉ đem đến cho bạn đọc những nhân vật biết hành động mà quan trọng hơn là vì sao có hành động ấy. 

- Tô Hoài đã rất thành công khi xây dựng một nhân vật có sức sống bên trong mãnh liệt đằng sau khuôn mặt vô hồn, vô cảm của Mị. Bởi vậy có người đã xem đây là “một nhân vật thành công bậc nhất trong văn xuôi Cách mạng đương đại Việt nam”.