KHÁI QUÁT
Nghị luận về một tư tưởng đạo lí có thể đề cập đến các vấn đề của đời sống xã hội như: đạo đức, tư tưởng, văn hoá, nhân sinh quan, thế giới quan,... Có thể khái quát một số vấn đề thường được đưa vào đề thi như: Về nhận thức (lí tưởng, mục đích sống); Về tâm hồn, tính cách, phẩm chất (lòng nhân ái, vị tha, độ lượng, tính trung thực, dũng cảm chăm chỉ , cần cù,...); Về quan hệ gia đình, quan hệ xã hội (tình mẫu tử, tình anh em, tình thầy trò, tình bạn, tình đồng bào,...); Về lối sống, quan niệm sống,...
Đề bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí khá đa dạng: Có thể nêu rõ yêu cầu nghị luận, có thể chỉ đưa ra vấn đề nghị luận mà không đưa ra yêu cầu cụ thể nào, có đề nêu trực tiếp vấn đề nghị luận, có đề gián tiếp đưa ra vấn đề nghị luận qua một câu danh ngôn, một câu ngạn ngữ, một câu chuyện,...Vì vậy học sinh cần nắm chắc kĩ
năng làm bài.
Các thao tác lập luận cơ bản thường được sử dụng trong kiểu bài này là: Sử dụng thao tác lập luận giải thích để làm rõ ý nghĩa vấn đề, các nghĩa nghĩa tường minh, hàm ẩn (nếu có); sử dụng thao tác lập luận phân tích để chia tách vấn đề thành nhiều khía cạnh, nhiều mặt, chỉ ra các biểu hiện cụ thể của vấn đề; sử dụng thao tác lập luận chứng minh để làm sáng tỏ vấn đề. Dẫn chứng lấy từ thực tế, có thể lấy trong thơ văn nhưng không cần nhiều (tránh lạc sang nghị luận văn học); sử dụng thao tác lập luận so sánh, bình luận, bác bỏ để đối chiếu với các vấn đề khác cùng hướng hoặc ngược hướng, phủ định cách hiểu sai lệch, bàn bạc tìm ra phương hướng,...
CÁC BƯỚC CƠ BẢN
Bước 1: Giải thích tư tư tưởng, đạo lí.
Đầu tiên, cần giải thích những từ trọng tâm, sau đó giải thích cả câu nói: giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có); rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý; quan điểm của tác giả qua câu nói (thường dành cho đề bài có tư tưởng, đạo lý được thể hiện gián tiếp qua câu danh ngôn, tục ngữ, ngạn
ngữ,...). Thường trả lời câu hỏi: Là gì? Như thế nào? Biểu hiện cụ thể?
Bước 2: Bàn luận
- Phân tích và chứng minh các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý (thường trả lời câu hỏi tại sao nói như thế? Dùng dẫn chứng cuộc sống xã hội để chứng minh. Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội).
- Bác bỏ (phê phán) những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề: bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý vì có những tư tưởng, đạo lý đúng trong thời đại này nhưng còn hạn chế trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thích hợp trong hoàn cảnh khác; dẫn chứng minh họa.
Bước 3: Mở rộng
- Mở rộng bằng cách giải thích và chứng minh.
- Mở rộng bằng cách đào sâu thêm vấn đề.
- Mở rộng bằng cách lật ngược vấn đề.
Người tham gia nghị luận đưa ra mặt trái của vấn đề, phủ nhận nó là công nhận cái đúng, ngược lại ,nếu vấn đề bình luận là sai hãy lật ngược bằng cách đưa ra vấn đề đúng, bảo vệ cái đúng cũng có nghĩa là phủ định cái sai. Trong các bước mở rộng, tuỳ vào từng trường hợp và khả năng của mình mà áp dụng cho tốt, không nên cứng nhắc.
Bước 4: Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động.
Đây là vấn đề cơ bản của một bài nghị luận bởi mục đích của việc nghị luận là rút ra những kết luận đúng để thuyết phục người đọc áp dụng vào thực tiễn đời sống.