Bê bối gian lận điểm thi ở Sơn La: Khó trả về điểm thật

 Bê bối gian lận điểm thi ở Hà Giang và Sơn La đã khiến hàng trăm bài thi bị thay đổi điểm số. Theo một số chuyên gia, cách gian lận ở hai địa phương này khác nhau nên với các bài thi ở Sơn La, sẽ khó khăn đưa về điểm thật hơn các bài thi ở Hà Giang.

 


Bước chấm thi THPT quốc gia được phát hiện sai phạm tại Hà Giang (hàng trên) và Sơn La (hàng dưới).

Bước chấm thi THPT quốc gia được phát hiện sai phạm tại Hà Giang (hàng trên) và Sơn La (hàng dưới).

 

Theo ông Đào Tuấn Đạt (giảng viên Đại học Bách khoa, Trưởng ban điều hành Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), sai phạm về chỉnh sửa điểm thi ở Hà Giang và Sơn La không giống nhau.

Thứ nhất, quy trình chấm thi trắc nghiệm qua 4 bước: Scan bài thi của thí sinh, chuyển file ảnh này ra máy tính để chuyển từ ảnh sang dạng file text, sau đó đưa vào máy chấm tự động để ra điểm.

Ở Hà Giang, ông Vũ Trọng Lương đã can thiệp chỉnh sửa ở bước 2, tức công đoạn chuyển ảnh sang dạng text. Do đó khi phát hiện ra sự việc, có thể dễ dàng đối chiếu giữa điểm sửa qua bài thi gốc.

Tuy nhiên, với sai phạm ở Sơn La, đối tượng sửa điểm đã can thiệp, tẩy xóa ngay trên bài thi gốc, do đó rất khó có căn cứ để phát hiện ra đâu là chỉnh sửa của thí sinh và đâu là chỉnh sửa của người ngoài can thiệp.

 

Chấm thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình. (Ảnh: Mỹ Hà).
Chấm thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình. (Ảnh: Mỹ Hà).

“Tôi nghĩ nhìn bài thi có thể phát hiện dấu hiệu tẩy xóa bằng mắt thường bởi lẽ với 50 câu hỏi, một người ngồi tẩy xóa sẽ rất mất thời gian nên sẽ xóa không sạch. Tronng khi đó, nếu thí sinh tẩy xóa thì sẽ cẩn thận hơn.

Điều khó khăn là không có căn cứ để khẳng định, sự tẩy xóa đó là do người ngoài nếu hành vi gian lận này không được camera ghi lại.

Chỉ còn cách mong chờ vào nghiệp vụ điều tra và giám định nét chữ của Bộ Công an cũng như cần thiết phải điều tra từ Hội đồng chấm bởi tôi nghĩ những người này sẽ có danh sách các thí sinh cần được sửa điểm và sửa bao nhiêu. Chỉ có cách này nhanh hơn phải giám định lại nét chữ trên hàng nghìn bài thi trắc nghiệm.

Ông Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia giáo dục ở Hà Nội cũng thừa nhận, việc chỉnh sửa điểm thi trên bài thi gốc ở Sơn La rất khó để đưa về điểm thật bởi khó xác nhận đâu là nét sửa của thí sinh, đâu là của người can thiệp. “Nếu giám định nét chữ trên hàng nghìn bài thi trắc nghiệm, tôi nghĩ rất khó khăn. Do vậy, trên cơ sở phỏng đoán, tôi nghĩ có thể sẽ chỉ có một số bài thi có dấu hiệu chỉnh sửa rất rõ ràng có thể tìm ra điểm thật, còn một số bài khác sẽ khó”, ông Ngọc cho biết.

Sửa "lỗ hổng" chấm trắc nghiệm bằng cách nào?

Ông Bùi Việt Hà, Giám đốc Công ty công nghệ tin học nhà trường - School@net cho rằng, sau khi biết rõ các sơ hở để dẫn đến gian lận điểm thi, ông có một số đóng góp cho quy trình và chương trình - phần mềm chấm thi trắc nghiệm của Bộ GD&ĐT.

 

Việc chỉnh sửa điểm thi trên bài thi gốc ở Sơn La rất khó để đưa về điểm thật bởi khó xác nhận đâu là nét sửa của thí sinh, đâu là của người can thiệp. (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).
 
Việc chỉnh sửa điểm thi trên bài thi gốc ở Sơn La rất khó để đưa về điểm thật bởi khó xác nhận đâu là nét sửa của thí sinh, đâu là của người can thiệp. (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).

Theo ông Hà, có 2 điều sơ hở rõ nhất, dễ gian lận nhất và cần phải thay đổi.

Thứ nhất, phiếu thi không có phách nên thông tin thí sinh (SBD) luôn hiện trên màn hình trong suốt thời gian scan, nhận dạng, chính sửa. Do đó, điều này cần khắc phục ngay, làm sao để khi chuyển sang bước nhận dạng trước khi chấm thì thông tin thí sinh đã bị che mất khỏi màn hình. Điều này có rất nhiều cách giải quyết.

Thứ hai, ở bước chấm tự động: Chỗ này có 2 sơ hở: dữ liệu đầu vào của chương trình chấm là text file nên dễ dàng bị hack, sửa đổi và thứ hai là con người, con người đã cố tình gian lận sẽ tìm mọi cách thực hiện. Việc để các hội đồng trực tiếp vận hành chương trình chấm cuối cùng là một sơ hở lớn.

Từ 2 điều trên, ông Bùi Việt Hà góp ý cụ thể cho quy trình chấm và cách thức chấm của Bộ nên thay đổi.

Cần có thêm một kỹ thuật cho phép sau khi scan bài làm của thí sinh (gửi về Bộ bản gốc) thì nhận dạng sẽ chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn nhận dạng phần thông tin chung (phách phía trên) và nhận dạng phần bài làm phía dưới.

Khi nhận dạng phần bài làm phía dưới, thông tin thí sinh cần phải xóa đi, ẩn đi, che lấp đi trên màn hình (và có thể cả hình ảnh nữa). Như vậy, quy trình sẽ phải tăng thêm một bước bảo mật.

Thứ hai, không nên để việc chấm cuối cùng, trực tiếp bằng máy ở các địa phương, hội đồng thi. Nên chuyển toàn bộ việc chấm cuối cùng này về Bộ và xử lý chấm tập trung trong phòng máy tính của Bộ. Như vậy, các Hội đồng thi sẽ chỉ xử lý sơ bộ thông tin chấm thi.

Cũng theo ông Hà, vấn đề là ở các Hội đồng sẽ xử lý đến mức nào thì chuyển về Bộ. Có thể thực hiện như sau: các hội đồng xử lý đến mức ra được các tệp bài làm của thí sinh. Nếu các tệp này là text file thì cần mã hóa ngay lập tức trước khi chuyển về Bộ. Việc mã hóa này cần tiến hành tự động trong chương trình.

“Tất nhiên không có gì là tuyệt đối nhưng nếu làm được những điều trên đây, tôi nghĩ việc gian lận sẽ khó hơn rất nhiều”, ông Hà chia sẻ.

Vũ Hà

(Theo dantri.vn)

Tin tức khác
Xem nhiều nhất